GIAI ĐOẠN 1963 - 1975
NHÀ MÁY ĐIỆN THÁI NGUYÊN XÂY DỰNG TRONG CƠ CHẾ
KẾ HOẠCH HOÁ TẬP TRUNG
Đây là thời kỳ Nhà máy Điện Thái Nguyên có nhiều diễn biến phức tạp; vừa xây dựng vừa sản xuất, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ và khôi phục nhà máy.
Thực hiện Nghị quyết 103 ngày 21/4/1965 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên hợp nhất thành tỉnh Bắc Thái.
Theo đó, tổ chức Đảng có sự thay đổi, đầu năm 1967 Đảng bộ Nhà máy điện Thái Nguyên được bàn giao về Tỉnh ủy Bắc Thái quản lý. Tiếp đến tháng 12/1968, Đảng bộ Nhà máy điện Thái Nguyên hợp nhất với Đảng bộ Sở điện Khu vực 6 vẫn lấy tên là Đảng bộ Nhà máy điện Thái Nguyên, với tổng số 181 cán bộ, đảng viên, sinh hoạt tại 14 chi bộ trực thuộc.
Tháng 4/1965, Chi nhánh Điện Thái Nguyên tách khỏi sở Điện 1 Hà Nội và thành lập Sở điện 6; ngày 01/10/1968, Sở điện 6 sáp nhập vào Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn và đổi tên là Nhà máy Điện Thái Nguyên (kiêm sở Điện lực) và đến khi Công ty Điện lực 1 được thành lập ngày 06/10/1969, Nhà máy Điện Thái Nguyên là đơn vị thành viên trực thuộc Công ty.
Ngày 5/8/1964, miền Bắc bị Đế quốc Mỹ tấn công bằng không quân, mở đầu cuộc tấn công phá hoại miền Bắc, hòng gỡ thế bí ở chiến trường miền Nam. Ngay trong thời điểm này, Nhà máy Điện Thái Nguyên thành lập đại đội từ vệ. Đồng thời ở tất cả các đơn vị đều tổ chức thi đua, ở mỗi vị trí sản xuất là vị trí chiến đấu. Tháng 3 năm 1965, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam”. Theo đó, toàn Nhà máy dấy lên phong trào thi đua như phong trào “Ba sẵn sàng” của Trung ương Đoàn Thanh niên, nhằm tăng năng suất chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng Chi đoàn “4 tốt”; đoàn viên “4 tốt”...
Ngày 17/10/1965, từ 9 giờ 53 phút đến 12 giờ 5 phút, giặc Mỹ huy động máy bay phản lực liên tiếp ném bom, bắn phá cầu Gia Bảy và uy hiếp Nhà máy điện. Lúc này. Nhà máy Điện như một pháo đài bên sông Cầu vững vàng, hiên ngang bảo vệ bầu trời thành phố Thái Nguyên. Đảng uỷ và Ban lãnh đạo Nhà máy phải họp phân công anh em nhằm đảm bảo Nhà máy liên tục được vận hành, có bảo vệ, có người nghỉ, người làm. Lúc đó, khu tập thể chỗ ở của ấp Nhà máy nằm trên đất Quang Vinh, bên hữu ngạn sông Cầu, còn xã Cao Ngạn ở bên tả ngạn sông Cầu, đối diện với đất Quan Triều và Quang Vinh, cách xa cả chục cây số. Trong khu sơ tán, mỗi gia đình có một cái hầm, được đào sâu xuống 1m, trên nóc có hầm kèo đỡ bom bi, cứ đi làm về lại chui xuống hầm để ngủ. Người nào đi làm thì cơm đùm cơm nắm mang theo. Trong Nhà máy thì hầm cáp là bộ phận quan trọng nhất. Hồi đó, đối phó với chiến tranh, các chuyên gia Trung Quốc thiết kế Nhà máy rất kiên cố, với hệ thống ngầm đặc biệt, tường dày 40-60cm, kết cấu bê tông cốt thép vô cùng vững chắc. Xung quanh Nhà máy, cán bộ, công nhân viên dùng tre đóng, đan phên to giữa có đường hào xây dựng thành các chiến lũy để bỏ bom ở phía ngoài thì phía bên trong Nhà máy không ảnh hưởng gì. Máy bay đến, nghe tiếng kẻng là ấp người nào sản xuất bám máy, bám lò thì ở lại, còn lại chạy xuống hầm cáp trú ẩn. Hầm cáp là nơi quan trọng nhất, trên có thể đánh, nhưng bom không thể rơi xuống hầm cáp được, tất cả bảng điện được đưa xuống hầm để anh em vận hành bảo đảm an toàn nguồn điện. Kẻng báo máy bay đi, ai lại về vị trí người ấy. Ngoài ra, để tránh thương vong, Nhà máy đã áp dụng chiến thuật thay đổi kế hoạch làm việc. Khi giặc đánh đêm thì CBCN làm ngày, giặc đánh ban ngày thì cán bộ, công nhân viên lại làm việc ban đêm. Thêm vào đó là sáng kiến dùng một thiết bị “tẩu thoát nhanh” là ống trượt để nhanh chóng dời vị trí làm việc, chui vào hầm bí ẩn mỗi khi máy bay địch bắn phá. Độ cao của lò khoảng 30m-40m, ống trượt này đã song hành cùng anh em trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngay trong những ngày tháng ác liệt đó, bản lĩnh sáng tạo, tính cách cần cù, chịu khó của cán bộ, công nhân viên Nhà máy vẫn không ngừng được phát huy. Như đã nói trên, vì không có đủ nguồn than đạt chất lượng nên Nhà máy buộc phải dùng than địa phương và pha trộn các loại than với nhau, do đó lượng xỉ đóng lại trong lò rất lớn. Theo như thiết kế ban đầu, nếu than đủ nhiệt năng là 7.000 kcal, nhiệt dẫn tốt, đạt 400 độ thì xỉ tro rơi xuống phía dưới sẽ mềm ra và chảy thành thể lỏng. Nhưng do than chất lượng thấp, nhiệt độ của than lúc này chỉ đạt khoảng 200 độ thôi, nên chỉ đủ nhiệt làm mềm và vì vậy làm tro xỉ kết dính và tắc ở bên trong. Việc này đã làm ảnh hưởng nặng nề đến chu kỳ hoạt động của lò vì nếu như đủ nhiệt độ, lò sẽ chạy liên tục 3 tháng mới phải tiểu tu thì bây giờ 1 tháng đã phải ngừng lại để cào xỉ ra để khử xỉ. Xuất phát từ suy nghĩ giản đơn là nếu không đưa nhiệt độ cao tới mức cần thiết thì thử tìm cách hạ nhiệt độ thấp xuống để lượng xỉ trong lò không thể kết dính ở khu vực ống dẫn. Mà muốn nhiệt độ xuống thì phải tăng độ hấp thụ của hơi nước trong ống lên. Theo thiết kế, người ta có chế tạo một cái gọi là Nâng nhiệt độ của buồng lửa lên, có phủ một lớp để giảm độ hấp thụ nhiệt ở đường ống xuống, với sáng kiến này, anh em sẽ điều chỉnh để nhiệt độ buồng lò này là xuống thấp thì sự nóng chảy của xỉ cũng có nhưng giảm bớt, duy trì được thành xỉ khô. Một điều đặc biệt là không thể vừa mới khởi động lò đã tắt đi ngay mà buộc phải để lò đạt đến nhiệt độ nhất định thì mới phá đi, nhiệt độ lúc đấy vừa đảm bảo được cháy, vừa không bị xỉ bên dưới. Trong cái khó ló cái khôn, lúc đó anh em chỉ nghĩ đơn giản thế nhưng không ngờ đây lại là một giải pháp hết sức hiệu quả. Kết quả là đã kéo dài quá trình vận hành lò, một năm chỉ mất khoảng 3- 4 lần tiểu tu, cả năm mới phải sửa chữa lớn. Sáng kiến này về sau được công đoàn trao tặng bằng Lao động Sáng tạo, được Tổng Liên đoàn trao bằng sáng tạo, năm 1980. Sau này, khi nhu cầu cấp điện ngày càng liên tục và khẩn trương, khối lượng điện lớn hơn, yêu cầu chu kỳ đảm bảo vận hành nhiều hơn, khẩn trương hơn, áp dụng sáng kiến này càng phát huy tác dụng. Đây chính là một biểu hiện rõ nét nhất của tinh thần lao động sáng tạo của cán bộ, công nhân viên Nhà máy điện Cao Ngạn ngay từ thời kỳ đầu ra đời.
Lúc bấy giờ, Nhà máy còn thành lập một đại đội tự vệ khoảng 20 người trực cả ngày cả đêm. Lực lượng tự vệ của nhà máy với pháo phòng không 12li7, phối hợp cùng các đơn vị trên địa bàn, đánh trả quyết liệt các đợt oanh kích của địch. Chiếc máy bay thứ 1.000 của không tặc Hoa Kỳ bị quân và dân miền Bắc bắn rơi vào đêm ngày 19/4/1966 trên bầu trời Bắc Thái có phần góp lửa của tự vệ nhà máy Điện Cao Ngạn. Cái đồi mà chiếc máy bay thứ 1.000 đó rơi xuống từ đó có tên là Đồi 1.000 và tên gọi đầy tính lịch sử đó vẫn còn cho đến giờ. Nhiều người vẫn nhớ đêm đó là một đêm sáng trăng. Sau khi bắt được tên giặc lái, dân quân dẫn độ hắn băng qua quốc lộ 3 đến trại giam, CBCN, bà con ồ ạt ra xem hai bên đường. Vốn là một dân tộc hiền hòa, yêu chuộng hòa bình, nên bà con chỉ thể hiện lòng căm thù bằng những cánh tay giơ lên và đồng loạt hô vang khẩu hiệu “Đả đảo giặc Mỹ” mà không hề có hành động đánh đập, mắng chửi gì tên giặc lái. Sau khi được dẫn về cho tỉnh đội, tên này được đưa thẳng về nhà giam Hỏa Lò ở Hà Nội…
Trong những trận chiến đấu khốc liệt đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: Đồng chí Phương Văn Hối lấy thân mình bịt lỗ dầu do mảnh bom Mỹ đánh thủng, cứu được 20 tấn dầu của máy biến áp 3T; các đồng chí Đặng Đức Biện, Nguyễn Công Tường, Nông Văn Lợi liều mình xử lý sự cố lò máy trong khi đạn nổ, bom rơi… Đặc biệt, có 04 công nhân là Hà Thị Tiến, Phạm Thị Vụ, Nguyễn Đình Xô, Ngô Đức Quế đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ để bảo vệ Nhà máy, duy trì dòng điện cho Tổ quốc; họ là những “Vầng sáng người thợ Điện Việt Nam” đã nêu cao khí phách anh hùng, xả thân vì sự nghiệp chung để “Giữ cho dòng điện an toàn/Như dòng máu đỏ tuần hoàn trong tim”.
Lúc bấy giờ, hoạt động Đoàn Thanh niên cũng rất sôi nổi. Mặc cho chiến tranh gian khổ, đoàn viên thanh niên của Nhà máy kết hợp với đoàn viên của các trường đại học đóng trên địa bàn Thái Nguyên phát động phong trào văn nghệ “tiếng hát át tiếng bom”, lấy đời sống tinh thần làm động lực để vừa sản xuất, vừa chiến đấu, đảm bảo dòng điện thông suốt. Bên cạnh đó, hàng chục cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện Thái Nguyên đã lên đường chi viện cho miền Nam đánh Mỹ và lập nhiều chiến công, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975) chỉ vài tháng sau, Nhà máy Điện Thái Nguyên đã tổ chức cho một đoàn hơn 20 cán bộ, công nhân viên là người ở miền Nam ra Bắc tập kết về thăm lại quê nhà. Nhiều người trong số đó sau này đã giữ những cương vị lãnh đạo cao của hệ thống điện miền Nam và miền Trung.
Năm 1966-1972, miền Bắc ngày càng bị đánh phá ác liệt, rất nhiều cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã hy sinh. Có lần bom đánh trúng Nhà máy, nổ lò và hệ thống hơi nước mấy trăm độ làm than và nước sôi tràn ra, công nhân người chết vì mảnh bom, đạn, người chết vì bỏng la liệt khắp nơi. Lại có người chui vào hầm kèo, bom ép chết trong hầm, có người bom đánh bắn ra tận ngoại ruộng lúa… cảnh Nhà máy tan hoang như chiến trường. Nhưng máy bay đi rồi, gạt nước mắt, chôn nỗi đau vào trong tim, với lòng căm thù giặc sâu sắc và tinh thần chiến đấu bất diệt, anh em lại lao vào xây dựng, phục hồi, khắc phục khó khăn, hỏng đâu sửa đấy, mang theo cơm nắm, ăn ngủ ngay dưới hầm, hết mình vì dòng điện. Có khi bom đánh hỏng đường dây, anh em kéo nhau đi sửa chữa cả đêm không nề hà, miễn sao đóng điện được sớm nhất cho các nhà máy có điện phục vụ sản xuất, tất cả hướng về tiền tuyến. Máy bị đánh hỏng, có những việc nhờ chuyên gia Trung Quốc đưa thiết bị sang sửa hỗ trợ, còn đa số, anh em tự mày mò làm lấy để tiếp tục cung cấp điện cho các nhà máy công nghiệp trên vùng đất Thép.
Qua 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn cũ từng bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề, phải đương đầu với 137 trận oanh tạc dữ dội của máy bay Mỹ (có cả máy bay chiến lược B52); hàng trăm tấn bom đạn Mỹ đã trút xuống nhà máy và khu vực lân cận hòng hủy diệt hoàn toàn nguồn phát điện quan trọng của miền Bắc… Nhưng những người thợ Điện Thái Nguyên vẫn kiên cường bám lò, bám máy; phát huy cao độ trí thông minh sáng tạo, duy trì nhà máy vận hành không ngơi nghỉ. Tiêu biểu cho tinh thần đó là...,,,,,
Thời kỳ này ai cũng như ai, khó khăn bộn bề nhưng tinh thần thoải mái, tất cả đều sống và chiến đấu vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và thống nhất Tổ quốc. Giám đốc lúc đó là đồng chí Nguyễn Văn Đài và Bí thư Đảng ủy Nguyễn Công Bằng ngày đêm sát sao cùng ăn, cùng ngủ với cán bộ, công nhân viên, động viên tinh thần anh em, cũng như cùng chia ngọt sẻ bùi, trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc của họ. Mọi người đối với nhau bằng cả tấm lòng, cùng chung lưng đấu cật vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ.
Tháng 3/1975, Ban chấp hành Đảng bộ tổ chức Đại hội Đảng bộ Khóa 7, nhiệm kỳ 5/1974 - 3/1976, số lượng Ủy viên BCH gồm 13 đồng chí, Bí thư Đảng ủy đồng chí Trần Văn Trừng.
Ban chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 1974-1976
STT | Họ và tên | Chức vụ Đảng | Chức vụ Chuyên môn | Ghi chú |
1 | Trần Văn Trừng | Bí thư Đảng ủy | | |
2 | Nguyễn Trọng Luật | Phó bí thư | Giám đốc | |
3 | Cao Vinh Quang | Thường vụ | Thư ký CĐ | |
4 | Đặng Thế Bồng | Thường vụ | Phó giám đốc | |
5 | Phạm Hạnh | Thường vụ | Đội trưởng | |
6 | Đồng Đức Biền | Đảng ủy viên | Trưởng phòng đời sống | |
7 | Nguyễn Ngọc Sanh | Đảng ủy viên | Trưởng phòng Kế hoạch | |
8 | Nguyễn Thị Tình | Đảng ủy viên | Nữ công | |
9 | Lê Đình Cửu | Đảng ủy viên | Trưởng kíp máy | |
10 | Lê Văn Song | Đảng ủy viên | Quản đốc phân xưởng nhiên liệu | |
11 | Dương Văn Hạp | Đảng ủy viên | Bí thư đoàn | |
12 | Nguyễn Đình Ẩm | Đảng ủy viên | Phó QĐ PX Lò | |
13 | Trịnh Xuân Nghiên | Đảng ủy viên | Phó QĐ PX Điện | |